Tìm hiểu Trà Đạo

Trà Đạo (茶道) …

Trà đạo là một nghệ thuật thưởng thức trà trong văn hóa Nhật Bản, được phát triển từ khoảng cuối thế kỷ 12.

Theo truyền thuyết Nhật, vào khoảng thời gian đó, có vị cao tăng người Nhật là sư Eisai (1141-1215), sang Trung Hoa để tham vấn học đạo. Khi trở về nước, ngài mang theo một số hạt trà về trồng trong sân chùa. Sau này chính Eisai này đã sáng tác ra cuốn “Khiết Trà Dưỡng Sinh Ký” (Kissa Yojoki), nội dung ghi lại mọi chuyện liên quan tới thú uống trà.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Từ đó, dần dần công dụng giúp thư giãn lẫn tính hấp dẫn đặc biệt của hương vị trà đã thu hút rất nhiều người dân Nhật đến với cái thú uống trà. Họ đã kết hợp thú uống trà với tính Thiền của Phật giáo để nâng cao nghệ thuật thưởng thức trà, phát triển nghệ thuật này trở thành trà đạo (chado, 茶道), một sản phầm đặc sắc thuần Nhật. Từ uống trà, cách uống trà, rồi nghi thức uống trà cho đến trà đạo là một tiến trình không ngưng nghỉ mà cái đích cuối cùng người Nhật muốn hướng tới đó là cải biến tục uống trà du nhập từ ngoại quốc trở thành một tôn giáo trong nghệ thuật sống của chính dân tộc mình, một đạo với ý nghĩa đích thực của từ này. Hiển nhiên ở đây trà đạo, không đơn thuần là con đường, phép tắc uống trà, mà trên hết là một phương tiện hữu hiệu nhằm làm trong sạch tâm hồn bằng cách hòa mình với thiên nhiên, từ đó tu tâm dưỡng tính và nhập định thiền để đạt giác ngộ.

TRÀ VỚI CUỘC SỐNG

Từ xưa tới nay, uống trà là một sinh hoạt hàng ngày của nhiều dân tộc trên thế giới. Uống trà không những có lợi cho sức khỏe mà còn là một thú vui tinh thần khi ngồi yên lặng nhâm nhi chén trà, ngẫm nghĩ về cuộc sống nhân sinh. Dần dần, việc thưởng trà trở thành một cách thức giúp con người trở lại với bản tính tự nhiên của mình. Đó là chính là Trà đạo.

Tinh thần của trà đạo được biết đến qua bốn chữ “Hoà, kính, thanh, tịch”.

“Hòa” có nghĩa hài hòa, hòa hợp, giao hòa. Đó là sự hài hòa giữa trà nhân với trà thất, sự hòa hợp giữa các trà nhân với nhau, sự hài hòa giữa trà nhân với các dụng cụ pha trà.

“Kính” là lòng kính trọng, sự tôn kính của trà nhân với mọi sự vật và con người, là sự tri ân cuộc sống. Lòng kính trọng được nảy sinh khi tinh thần của trà nhân vươn tới sự hài hòa hoàn toàn.

Khi lòng tôn kính với vạn vật đạt tới sự không phân biệt thì tấm lòng trở nên thanh thản, yên tĩnh. Đó là ý nghĩa của chữ “Thanh”.

Khi lòng thanh thản, yên tĩnh hoàn toàn thì toàn bộ thế giới trở nên tịch lặng, dù sống giữa muôn người cũng như sống giữa nơi am thất vắng vẻ tịch liêu. Lúc đó, thế giới với con người không còn là hai, mà cả hai đều vắng bặt. Đó là ý nghĩa của chữ “Tịch”.

Bốn chữ “Hòa, Kính, Thanh, Tịch” như một thước đo bản thân vị trà nhân đang ở vị trí nào trên con đường Trà đạo.

Vậy thì “Trà đạo là gì?”, đã có ai trong những người quan tâm đến trà đạo chúng ta đã từng đặt câu hỏi này cho mình hay chưa.

Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta cùng đi từ quá trình hình thành của trà đạo cho đến các dụng cụ được sử dụng trong pha trà; từ trà thất cho đến cách pha trà; từ cách phục vụ trà cho đến cách uống trà… Tất cả làm nên việc thưởng trà của chúng ta được sống động và trọn vẹn.

Lịch sử

Giai đoạn 1

Vào thế kỷ thứ 8 – 14 trà bắt đầu được sử dụng phổ biến trong tầng lớp quý tộc. Lúc đó có các cuộc thi đấu đoán tên trà. Văn hóa uống trà giai đoạn đó giống như những trò chơi xa xỉ và các người quý tộc rất thích dụng cụ uống trà Trung Quốc.Trong hoàn cảnh như vậy, có một nhà sư tên là Murata Juko tìm thấy vẻ đẹp giản dị trong văn hóa uống trà. Ông đến với trà với tư cách là một nhà sư, rất coi trọng cuộc sống tinh thần. Trà đạo ra đời như thế.

Juko yêu cái đẹp “wabi” và “sabi”.

Tuy nhiên, trà đạo vẫn còn chưa được nhiều người biết đến, người kế nghiệp tiếp theo là Takeno Jyoo.

Jyoo quan niệm: “Mặc dù xung quanh chúng ta chẳng có gì cả: không hoa, không lá, chỉ có cảnh hoàng hôn chiều tà với một mái nhà tranh.”

Giai đoạn 2

 

 

 

Sau Jyoo, thế kỷ 16, Senno Rikyu mới là người đưa ra bước ngoặt quan trọng, tạo nên một nền văn hóa trà đạo trong giới võ sĩ (samurai). Senno Rikyu đã là thày dạy trà đạo cho Oda Nobunaga (Shogun – người đứng đầu giới võ sĩ) của thời Azuchi. Sau khi Oda Nobunaga chết, Toyotomi Hideyoshi lên (thời Momoyama) thì Senno Rikyu tiếp tục dạy cho ông này. Như vậy, hoạt động của Senno Rikyu khá phổ biến và có ảnh hưởng sâu rộng trong tầng lớp võ sĩ, ảnh hưởng mạnh đến chính trị thời đó.

Cùng thời với Senrikyu, cũng có hoạt động của Yabunnouchi Jyochi (học trò của Takeno Jynoo). Yabunouchi Jyochi là trà sư của chùa Honganji, ngôi chùa lớn nhất ở Nhật Bản. Theo Yabunouchi, Trà đạo nằm trong các hành động của bản thân.

Ngoài ra còn có nhiều trà nhân khác nữa.

Ngày xưa, các trà nhân pha trà theo cách riêng của mình. Nhưng sau thế hệ thứ nhất, người ta đã bắt đầu tạo ra cách pha trà chung. Nếu các phái khác nhau cũng chỉ khác nhau ở trên bề mặt nghi thức pha trà, còn đạo là duy nhất.

Giai đoạn 3 – Trà đạo trong thời hội nhập

Trà đạo hiện nay cũng dần được biến đổi, trong mỗi phòng trà đều có một số bàn ghế gỗ cho khách ngồi.

Nếu như khách không thể quen với kiểu ngồi truyền thống của Nhật thì sự biến đổi này cho phép người phương Tây với thói quen hiện đại cũng có thể tham gia được những buổi trà đạo mà không hề làm mất đi không khí tôn nghiêm trong phòng uống trà.

Dần dần, trà đạo được đưa vào phòng khách theo phong cách phương Tây. Người đến không cần phải gò bó theo kiểu ngồi hay cách uống trà của người Nhật vẫn có thể mặc áo theo kiểu Tây phương.

TRÀ THẤT

Trà thất là một căn phòng nhỏ dành riêng cho việc uống trà, nó còn được gọi là “nhà không”. Đó là một căn nhà mỏng manh với một mái tranh đơn sơ ẩn sau một khu vườn. Cảnh sắc trong vườn không loè loẹt mà chỉ có màu nhạt, gợi lên sự tĩnh lặng. Trong khu vườn nhỏ có thể bố trí một vài nét chấm phá để tạo nên một ấn tượng về một miền thung lũng hay cảnh núi non cô tịch, thanh bình. Nó như một bức tranh thủy mặc gợi lên bầu không khí mà Kobiri Emshiu đã tả:

Một chòm cây mùa hạ,
một nét biển xa,
một vừng trăng chiếu mờ nhạt.

Trên con đường dẫn đến trà thất có một tảng đá lớn, mặt tảng đá được khoét thành một cái chén đựng đầy nước từ một cành tre rót xuống. Ở đây người ta rửa tay trước khi vào ngôi nhà nằm ở cuối con đường, chỗ tịch liêu nhất:

Tôi nhìn ra,
không có hoa,
cũng không có lá.
Trên bờ biển,
một chòi tranh đứng trơ trọi,
trong ánh nắng nhạt chiều thu.

Ngôi nhà uống trà làm bằng những nguyên liệu mong manh làm cho ta nghĩ đến cái vô thường và trống rỗng của mọi sự. Không có một vẻ gì là chắc chắn hay cân đối trong lối kiến trúc, vì đối với thiền, sự cân đối là chết, là thiếu tự nhiên, nó quá toàn bích không còn chỗ nào cho sự phát triển và đổi thay. Ðiều thiết yếu là ngôi trà thất phải hòa nhịp với cảnh vật chung quanh, tự nhiên như cây cối và những tảng đá. Lối vào nhà nhỏ và thấp đến nổi người nào bước vào nhà cần phải cúi đầu xuống trong vẻ khiêm cung, thậm chí vị samurai luôn luôn mang theo cây kiếm bên mình, cũng phải để lại nó ở bên ngoài. Bước vào phòng trà là một bầu không khí lặng lẽ cô tịch, không có màu sắc rực rỡ, mà chỉ có màu vàng nhạt của tấm thảm rơm và màu tro nhạt của những bức vách bằng giấy.

TOKONOMA

Văn hóa Nhật Bản [ Trà Đạo ] - Traveling - ,

Tokonoma là góc phòng được trang trí, hơi thụt vào trong so với vách tường. Tokonoma là một trong bốn nhân tố thiết yếu tạo nên phòng khách chính của một căn nhà. Bản thân từ “tokonoma” ám chỉ góc phòng thụt vào hoặc căn phòng có góc như nó.

Văn hóa Nhật Bản [ Trà Đạo ] - Traveling - ,

Có một vài dấu hiệu để biết đâu là tokonoma. Thông thường, có một khu vực để treo tranh hoặc một bức thư pháp. Hay có một cái giá nhỏ để đặt hoa, có thể là một chiếc bình. Bạn có thể nhìn thấy một hộp hương trầm. Một gia đình truyền thống Nhật có nhiều cuộn giấy và các vật dụng khác mà họ trưng bày ở Tokonoma tuỳ từng mùa hoặc ngày lễ gần nhất.

Khi bước vào một trà thất, bạn thường quỳ và ngắm tokonoma một lát. Bạn cũng có thể nói về các vật được trưng bày. Thiền gây ảnh hưởng đến tokonoma lẫn chabana… chỉ khi chúng ta chú tâm đến những chi tiết nhỏ bé trong cuộc sống thì mới thấy vẻ đẹp trong những điều giản dị.

CHABANA

Chabana (茶花) là phong cách cắm hoa đơn giản mà thanh lịch của Trà đạo, có nguồn gốc sâu xa từ việc nghi thức hoá Ikebana. Cha, theo nghĩa đen là trà và ban là biến âm của từ hana có nghĩa là hoa.

Phong cách của chabana là không có bất kỳ qui tắc chính thức nào để trở thành chuẩn mực cho nghệ thuật cắm hoa trong trà thất.

Hoa thể hiện tình cảm của chủ nhà trong một buổi tiệc trà. Hoa được cắm trong một chiếc bình hoặc một cái lọ mộc mạc với phong cách thay đổi theo mùa.

Lọ hoa có thể được làm từ bất kỳ chất liệu nào, từ đồng, gốm tráng men hoặc không tráng men, cho đến tre, thuỷ tinh và các vật liệu khác.

Khi cắm hoa cho một bữa tiệc trà, đầu tiên chủ nhà phải chọn hoa và lọ tương ứng. Hoa trong phòng trà gợi được cho người ngắm cảm giác như đang đứng giữa khu vườn tự nhiên.

KANEJIKU

Kakejiku là một tác phẩm bằng tranh treo trên tường, ở kotonoma, hay còn gọi là thư pháp. Thư pháp có thể là một bức tranh, có thể là một câu nói mang ý nghĩa nào đó như “Bình thường tâm là đạo”, hoặc đơn giản chỉ là một chữ “VÔ”.

CÁC DỤNG CỤ PHA TRÀ

1. Kama (nồi đun nước): quai xách rời sẽ tháo ra khi vào buổi trà đạo. Nước từ ấm sẽ được lấy ra bằng Shaku để rót vào bát.

2. Tetsubin (ấm đun nước): thích hợp với kiểu pha trà rót nước trực tiếp từ ấm đun vào bát.

3. Chawan (bát trà): có thể nói là thứ đặc trưng và giành được sự yêu quý vào quan trọng nhất của Trà đạo. Có rất nhiều loại bát khác nhau, nhưng với những trà nhân Nhật Bản xưa kia cũng như ngày nay, bát trà gắn liền với tên tuổi của họ, bên cạnh sự yêu thích về nghệ thuật còn là sự ngưỡng mộ về lịch sử và văn hoá. Bát trà được các trà nhân yêu quý như chính bản thân họ vậy. Bởi vậy việc một bát trà có giá trị bằng một căn nhà đối với người hiểu về bát, cũng không có gì là lạ.

Bát trà được làm bằng gốm. Chất liệu được ưa thích không phải là những chiếc bát tròn vẹn bóng bẩy kiểu Trung quốc, mà là những chiếc bát thô sơ giản di, và hơn nữa, là được làm bằng tay. Chiếc bát trà thậm chí lại không tròn, phù hợp với lý tưởng của trà đạo là “ tìm kiếm sự toàn vẹn trong cái bất toàn”.

Ở Nhật bản có rất nhiều dòng gốm nổi tiếng theo từng vùng, nhưng với các trà nhân Nhật Bản thì : “nhất Raku, nhì Hazi, ba Karatsu”.

– Hagiyaki: lò gốm tại huyện Yamaguchi của Nhật. Bát của Hazi có đặc trưng là màu hồng nhạt, chân đế thường được cắt hình tam giác.

– Karu: do dòng họ Karu tại Kyoto sản xuất, bằng tay và không dùng bàn xoay. Đặc trưng là được phủ men đậm hoặc nâu đỏ, xương gốm mềm và thô.

– Karatsu: sản xuất tại saga và nagasaki trong đảo Kyashu. đặc trưng là xương gốm phủ áo trắng, trang trí hoa văn đơn giản bằng sắc màu nâu.

– Ngoài ra có rất nhiều loại bát khác nhau, mang những đặc trưng riêng đã được đặt tên như: Mishima, Kohiki, Hakeme, Tenmokuyu… Gốm sứ Việt nam rất được các trà nhân ưa chuộng ngay từ thế kỉ 15, là thế kỉ phát triển rực rỡ của trà đạo.

Khi đưa một bát trà cho khách, nếu bát có khắc hoa văn thì hoa văn luôn được hướng về phía khách chính để tỏ lòng hiếu khách. Đây cũng là một trong những nét lễ nghi đặc trưng của trà đạo: “Hoà- kính- thanh- tịnh”.

4. Natsume (hộp đựng trà): làm từ gỗ sơn mài, cũng mang những nét đặc trưng riêng của từng trà nhân giống như bát vậy. Natsume có thể được trang trí hoa văn bên ngoài và trong buổi trà đạo hoa văn này được quay về phía những nơi trang trọng nhất. Trà trước khi cho vào natsume phải được lọc cẩn thận để không vón cục ảnh hưởng đến hương vị. Trà trong natsume được trình bầy theo hình núi Phú-sỹ, vốn là biểu tượng của Nhật bản.

5. Chasen (dụng cụ pha trà): được làm bằng tre một cách công phu và cũng là một dụng cụ đặc trưng cho cách pha trà bát, hay trà bột. Chasen mới và các tua tre phải đều, thì bát trà pha ra mới ngon, đều và đẹp mắt.

6. Chasaku (thìa xúc trà): làm bằng tre, dùng để múc trà ra bát. Giữa cán chasaku là khấc tre, và người cầm chasaku không được cầm quá khấc này, để đảm bảo tính vệ sinh của trà. Cũng là một nét đặc trưng trong tính lễ nghi của Trà đạo.

7· Chakin (khăn lau): làm từ vải trắng, để lau bát trước khi pha trà. Chakin luôn phải sạch và ẩm, nhưng không được ướt, và phải là màu trắng.

8. Shaku (gáo múc nước): dùng để múc nước nóng từ kama vào bát, hoặc châm thêm nước lạnh từ ngoài vào nồi. Các quy tắc sử dụng shaku đã tạo ra những nét hấp dẫn rất đặc trưng cho kiểu pha trà này, từ cách cầm dụng cụ, cách di chuyển đến tiếng nước róc rách chẩy từ shaku xuống bát trà.

9. Futaoki: Đi kèm shaku là futaoki, là dụng cụ kê nắp kama khi mở.

10. Kensui: là dụng cụ để nước bẩn, có thể làm bằng các chất liệu như tre, gốm… nhưng trong phòng trà luôn nằm ở vị trí sau để đảm bảo sạch sẽ.

BÁNH

Có thể nói bánh truyền thống của Nhật Bản đã phát triển cùng thói quen uống trà của người Nhật. Trong những lễ hội 4 mùa, người Nhật làm những chiếc bánh hình dáng nhỏ nhắn để thể hiện phong vị thiên nhiên, và bánh thường được thưởng thức cùng với trà. Bánh truyền thống nổi tiếng được lấy cảm hứng từ vẻ đẹp thiên nhiên, bốn mùa, từ thơ Waka, Haiku (là các thể thơ cổ của Nhật Bản) và cảm hứng từ quê hương.

Cách người Nhật pha trà

Cũng như người Việt, trà là một thứ đồ uống không thể thiếu được trong cuộc sống của người dân xứ sở hoa anh Đào. Trà đạo được biết đến như một nét văn hóa truyền thống của Nhật bản. Tuy nhiên, trà đạo có nhiều thủ tục phức tạp, quí phái và đầy tính nghệ thuật của văn hóa cổ truyền Nhật bản. Bài viết chỉ xin đề cập đến cách thức uống và pha trà trong đời sống thường ngày của người Nhật.

Dụng cụ

a. Một cái bình thủy:

để chứa nước sôi. Thường loại dung tích khoảng 2 lít nếu dùng cho 4, 5 người uống trà.

b. Một bình pha trà:

thường bằng đất nung màu đen hay nâu có cán cầm (khác với loại có quai, tuy nhiên đây cũng không phải là điều bắt buộc). Bình pha trà cũng có khi bằng kim khí rất nặng màu đen, có quai xách. Thường bình pha trà có dung tích khoảng 200 ml (bằng trái cam), nếu cỡ khoảng 400ml (bằng trái bưởi) đã được coi là to. Rất hiếm có bình pha trà cỡ lớn hơn 500ml vì làm loãng, mất mùi vị trà và nhất là không đẹp mắt. Với những cỡ bình lớn người ta thường dùng để pha những loại trà hạ phẩm (loại nhiều cuống lá, lá già thô hay loại trà xanh pha trộn với gạo rang…). Loại trà này thường được pha để uống trong các Restaurants hay cho nhân viên lao động trong giờ giải lao của hãng xưởng. Dùng cho gia đình hay tiếp khách thăm viếng, khoảng dưới 5 người, chiếc bình trà cỡ 300ml được coi là tốt nhất.

Hầu hết các bình pha trà xanh của Nhật Bản đều có một tấm lưới rất mịn bằng kim khí bao phía trong vòi ấm hay là một cái phễu lọc bằng lưới nằm sát vào miệng ấm để đựng trà, giữ lại không làm cho bã trà ra tách khi rót trà.

c. Một bộ ly uống trà:

Thường cỡ khoảng 70ml đến 100ml. Hình tròn, hay hình ống, đôi khi có hình dạng méo mó. Thường màu đậm hay nhiều màu in hình hoa trái hay viết những chữ Nhật Bản dạng chữ thảo. Tuy nhiên màu sắc không diêm dúa với màu đỏ gay gắt nhãn giới như trên các đồ sứ của Trung Hoa. Ly tách uống trà của Nhật Bản có màu thanh thoát, êm dịu, dễ thương hơn. Tách uống trà có thể có nắp hay không, nhưng phải có một đĩa nhỏ đễ đỡ tách uống trà.

d. Hộp đựng trà:

Trà xanh bán trên thị trường thường được đóng kín trong một bịch bằng alumin với chân không, hay bằng những hộp bằng kim khí rất kín. Sau khi mua về, bỏ bao bì, trà được đựng trong một chiếc hộp dung tích cỡ 100ml -300ml, bằng kim khí có 2 nắp. Nắp ở phía trong bằng plastic hay bằng kim khí. Nắp phía ngoài hộp, ngoài tác dụng đậy hộp trà cho kín, nhưng còn được dùng như một dụng cụ để đo lường trà chính xác trước khi cho trà vào bình. Người pha trà lấy một chiếc muỗng bằng tre gạt trà vào trong chiếc nắp, tùy theo số người uống để tránh tình trạng nhiều ít không đều.

Ðó là những dụng cụ mà mọi gia đình Nhật Bản đều phải có và được coi như đồ dùng hàng ngày của gia đình. Tuy nhiên trong trường hợp tiếp khách, họ còn mang ra thêm vài dụng cụ khác nữa để tạo vẻ lịch sự và đẹp mắt. Chẳng hạn:

– Một cái bình uống trà thứ hai dùng để điều chỉnh độ nóng của nước pha trà (hình thức cái chén Tống của lối uống trà của Việt Nam hay Trung Hoa ).

– Một cái bình khá lớn bằng đất nung màu đen, thường có nhiều hình dạng khác nhau để đựng nước tráng tách uống trà, bình pha trà hay đựng trà cặn mỗi lần uống trà mới. (giống như cái khay có nan bằng tre để trên một cái chậu để đổ nước dư thừa của Trung Hoa. Hình thức này người Nhật không bao giờ dùng, họ thà đựng vào một cái tách uống trà rồi mang đi đổ chứ không dùng đến vì thô kệch và không đẹp mắt đó!).

– Một cái khay đựng tách và bình trà bằng gỗ (thường màu nâu và hình vuông hay chữ nhật) được che phủ bởi một tấm khăn xinh xắn, sạch sẽ để người pha trà lau khô tách uống trà trước khi rót trà cho khách.

Ngoài ra còn rất nhiều dụng cụ lỉnh kỉnh khác như muỗng lấy trà bằng tre. Cái máng nho nhỏ bằng tre hay gỗ để ước lượng số trà nhiều ít trước khi ruôn trà vào bình… tất cả tùy thuộc vào mức độ quan trọng của cuộc uống trà và sự cầu kỳ tiếp khách của chủ nhân.

Cách pha trà Gồm những thủ tục cần thiết sau đây:

a. Nước pha trà:

Tuyệt đối không bao giờ lấy nước đang sôi để pha trà, có nghĩa là không thể nào dùng nước đang sôi trong bình ruôn vào bình pha trà. Lý do trông không đẹp mắt và nhất là tất cả các loại trà Nhật Bản (trà xanh, trà bột dùng trong lễ dâng trà (Sado) không bao giờ dùng nước đang sôi! Nước pha trà phải được đựng trong một bình thủy (uống trà thông thường) hay nước được nấu trong một cái ấm kim khí không nắp trên bồn than rất yếu để giữ nước ở khoàng 80-90 độ celcius (trà đạo) .

b. Làm ấm dụng cụ:

Ấm pha trà và tách uống trà được tráng bằng nước sôi trong bình thủy để làm ấm dụng cụ, sau đó dùng khăn lau khô trước khi sử dụng.

c. Cho trà vào ấm pha trà:

Thường với loại trà ngon cỡ trung bình ngươì ta thuờng tính cho mỗi một người khách khoảng một muỗng cà-phê trà xanh. Tuy nhiên nếu dưới 3 người khách, nên cho hơn một tí để tránh quá nhạt. Dĩ nhiên với những người ghiền trà, thích uống đậm lại là vấn đề khác!

d. Pha trà:

Với loại trà xanh cỡ trung bình, người ta thường pha trà 3 lần khác nhau như sau:

– Lần thứ nhất: được pha với nước nóng ở khoảng 60 độ C, để trà ngấm khoảng 2 phút đồng hồ trước khi rót cho khách. Nước sôi từ bình thủy được rót ra một cài bình trà khác (hay chén tống) để giảm nhiệt độ trước khi cho vào bình pha trà. (lý do tại sao sẽ được giải thích ở phần sau).

– Lần thứ hai: pha với nước nóng khoảng 80 độ trong khoảng 30-40 giây, có nghĩa là cho nước vào ấm pha trà, hơi lắc nhẹ và rót ra tách cho khách ngay. Nước cũng được rót qua bình trung gian nhưng mau lẹ hơn để có nhiệt độ mong muốn. (Tuy nhiên, những người pha trà quen thuộc, khéo tay họ có thể điều chỉnh nhiệt độ từ bình thủy rót vào bình pha trà bằng các thủ thuật như rót nước thật chậm, để cao vòi nước trên bình pha trà…)

– Lần thứ ba: Nước pha ở nhiệt độ khoảng 90 độ C, cũng khoảng 30- 40 giây. Nước có thể ruôn trực tiếp từ bình thủy vào ấm trà, vì nước sôi khi qua các giai đoạn rót vào bình thủy, rồi từ bình thủy rót vào ấm pha trà đã có nhiệt độ khoảng 90 độ C.

Với những loại trà ngon đặc biệt, người ta có thể pha trà lần thứ 4 hay lần thứ 5 (cách thức pha như lần thứ 3) mà nước trà vẫn xanh và còn mùi vị. Nhưng những loại trà xanh hạ phẩm, rẻ tiền việc pha trà hơi khác hơn chút đỉnh. Chẳng hạn lần thứ nhất phải ở nhiệt độ cao hơn (70- 80 độ, 2 phút), lần thứ hai (90 độ, khoảng 1- 2 phút) và không có lần thứ 3 vì hết mùi vị rồi. (giải thích ở phần dưới).

e. Lượng nước pha trà:

Người pha trà phải biết ước lượng cho bao nhiêu nước pha vào bình trà, không thể pha trà xanh Nhật Bản bằng cách cứ cho nước vào đầy bình rồi rót cho khách theo lối pha trà của Tàu hay Việt Nam được. Mà phải biết dung tích của tách uống trà và số tách để cho đúng lượng nước để mỗi lần rót trà cho khách phải hết trọn vẹn nước trong bình pha trà. Nếu còn sót lại sẽ làm giảm phảm chất của lần uống trà kế tiếp vì sai nhiệt độ, vì oxy hoá làm mất màu xanh đẹp của trà v.v…

Cách rót trà

Không bao giờ rót trà cho khách một lần đầy tách rồi rót tiếp cho người khách kế tiếp! Làm như vậy sẽ có sự khác biệt về độ đậm nhạt của nước trà trong mỗi tách, cũng như không đều về lượng trong mỗi tách (tách đầu tiên quá nhiều, tách cuối cùng rất ít, quá đậm vì thời gian trà ngấm ra nhiều hơn hay không còn nước cho người kế tiếp!). Vì vậy tất cả các tách của khách đều được để trong khay trà rồi rót theo thứ tự 1, 2, 3, 4… rót lần đầu khoảng 30ml (cho mỗi tách, cỡ lớn 70 ml),sau đó rót lần thứ hai với thứ tự ngược lại 4, 3, 2 ,1 mỗi lần khoảng 20ml (cho mỗi tách có tổng cộng 50ml nước trà) nếu còn dư chút ít trong bình, nên co giãn để phân đều cho các tách. Sau đó mới đưa mời khách.

Chính vì lý do này, người pha trà phải căn làm sao cho đủ (không thiếu, không thừa) cho tất cả khách, mỗi người khoảng 50ml (với loại tách uống trà cỡ 70-80 ml).

Cách uống trà

Khi uống trà xanh Nhật Bản (cũng như uống trà bột trong lễ dâng trà) người Nhật phải ăn một vài loại bánh ngọt để làm gia tăng hương vị của trà. Các lọai bánh này bán rất nhiều trên thị trường thường làm bằng đậu hay bột khoai, bột gạo… Chúng ta có thể thay thế bằng các bánh ngọt khác của Âu Mỹ như bánh ngọt, chocolate… nhưng vẫn không phải là hoàn hảo lắm. Ở Việt Nam có loại bánh đậu xanh (Bảo Hiên Rồng Vàng, Hải Dương…) được coi là rất thích hợp cho việc uống trà xanh.

Trước khi uống trà, người ta ăn vài miếng bánh (phải ăn hết bánh trong miệng rồi mới uống trà, không nên vừa ăn vừa uống). Sau đó thỉnh thoảng ăn thêm bánh và uống trà tiếp theo. Với cách này sẽ làm gia tăng hương vị của trà xanh một cách lạ kỳ.

Uống trà xanh Nhật Bản hoàn toàn khác với lối uống nhâm nhi từng tí một trong lối uống trà Tàu của những vị nhà Nho Việt Nam. Người Nhật uống thành ngụm đàng hoàng để có đủ lượng nước trà thấm vào tất cả các màng niêm của miệng.

Với những loại trà xanh hảo hạng hay trên trung bình, ngươì Nhật cho rằng nước pha trà lần đầu tiên được coi là đậm đà nhất, làm mùi ngon của trà thấm vào vị giác nhiều nhất. Nước thứ hai, có một khoái cảm khác nhờ nhiệt độ nóng của lần pha này, nước trà mất đi khá nhiều vị đặc biệt của trà nhưng lại có mùi rất thơm bốc lên, kích xúc vào khứu giác. Cả hai lần pha trà này được coi là quan trọng nhất và độc đáo nhất của trà xanh Nhật Bản. Với loại trà thượng hạng người ta có thể uống đến lần thứ 4 hay thứ 5 nước trà vẫn xanh và mùi vị vẫn còn . Tuy nhiên loại trà hạ phẩm, người ta bỏ qua lần thứ nhất và bước sang cách pha lần thứ hai hơi đổi khác đôi chút như đã viết ở trên.

Vài tiêu chuẩn để xếp hạng trà xanh

Rất nhiều người ngoại quốc khi uống trà xanh Nhật Bản thường đưa ra những ý kiến khác biệt nhau, thậm chí có lúc họ thấy rất ngon, có lúc họ thấy rất nhạt nhẽo. Ðó là vì họ không biết cách pha và uống trà. Nhưng điều quan trọng nhất, ít ai để ý đến đó là loại hạng của trà mà họ uống. Trên thị trường trà xanh Nhật Bản có hàng trăm loại khác nhau. Từ loại rất rẻ được đóng gói cỡ 500 grams hay một kg trong bao giấy kính trong suốt dùng cho việc uống trà hàng ngày hay ở các giờ giải lao của hãng xưởng. Ðến những loại cao cấp rất đắt đựng trong những chiếc hộp bằng kim khí nhỏ nhắn cỡ 50ml rất trang nhã đựng trong một hộp bằng gỗ trình bày rất đẹp. Trong đó kèm theo một vài tờ giấy như lụa ghi xuất xứ, lịch sử của sản phẩm có dấu hiệu, ấn ký của nhà sản xuất…

Mục đích của bài viết này nhắm vào loại trà cỡ trung bình trở lên, còn những loại trà hạ phẩm không thể áp dụng được. Sau đây là những tiêu chuẩn để người uống trà xét đoán, lựa chọn một loại trà xanh Nhật Bản để thưởng thức hợp với túi tiền và mục đích của mình.

Giá cả của trà xanh Nhật Bản là một tiêu chuẩn rất ít sai (nếu không muốn nói là hoàn toàn chính xác) khi mua trà xanh Nhật Bản. Với loại trà xanh rẻ tiền, đóng gói sơ sài với bao giấy bóng trong suốt, thường số lượng 500 grams hay một kilô với giá cả khoảng 100 yen- 200 yen (1- 2 USD) cho 100grams, đây là loại trà để uống giải khát mà thôi.

Có thể chia ra 3 hạng trà xanh Nhật bản như sau:

a. Loại trà hạ phẩm:

– Cánh trà thường to, dầy, thô vì được biến chế từ những lá trà già lấy ở phần dưới nhánh cây trà.

– Là sản phẩm dư thừa của loại trà cao cấp, chẳng hạn như cuống của những lá non dùng cho trà cao cấp.

– Có loại lại trộn thêm vào khoảng 20% gạo rang hay lúa mì rang, khi uống có mùi trà xanh hòa trộn với mùi hơi khét của gạo rang.

Loại trà xanh hạ phẩm này thường không có mùi thơm vì nhà sản xuất không cho vào loại trà bột vào. Loại này thường uống trong giờ giải lao của nhân viên lao động trong hãng xưởng hay uống hàng ngày trong những gia đình nghèo Nhật Bản cũng như ở những tiệm ăn uống bình dân. Với loại trà này cách pha trà như đã tả ở trên.

b. Loại trung bình:

Loại này thường được đựng trong các bao bằng alumin hay trong hộp bằng kim khí, có 2 nắp rất kín đáo. Hình thức trình bày rất trang nhã và hấp dẫn. Trọng lượng mỗi gói khoảng 50-100 grams. Loại này có đặc tính sau đây:

– Có rất nhiều hạng khác nhau, thường giá cả từ 1000 yen – 6000 yen/100 grams (9- 50 USD). Trên thị trường thường đóng gói cỡ 100 gram, nhưng nếu đóng gói cỡ cỡ 50grams, thường là loại ngon của hạng này.

– Khi mở gói trà hay hộp trà người ta nhận thấy ngay đặc tính của loại này như sau:

– Có mùi thơm rất dịu

– Cánh trà nhỏ cánh, xanh đậm

– Có màu xanh của bột trà bám trên thành bao alumin hay thành hộp trà, đó là loại trà bột (dùng trong lễ dâng trà ) được nhà sản xuất cho vào để làm gia tăng phẩm chất. Càng nhiều trà bột cho vào càng ngon và càng đắt giá.

-Khi pha trà lần đầu (60 độ, 2 phút) chỉ để hòa tan loại trà bột và một phần nào hương vị của cánh trà mà thôi. Chính vì vậy lần uống đầu tiên này mang đến khẩu vị nhiều hơn là mùi vị. Nhưng ở lần pha thứ 2 và thứ 3 luợng trà bột đã giảm sút nhưng nhờ nhiệt độ nước pha cao (80-90 độ) làm bốc hơi mùi vị thơm của cánh trà. Với loại trà trung bình hạng tốt, người ta có thể pha lần thứ tư vẫn còn mùi vị ngon của trà.Tóm lại lần pha trà đầu tiên để người ta thưởng thức “Vị” của trà, từ lần thứ hai, thứ ba người ta thưởng thức HƯƠNG của trà.

-Ðây là loại trà thường uống hàng ngày ở những gia đình khá giả hay để đãi khách cũng như ở các văn phòng của các vị lãnh đạo hãng.

c. Loại hảo hạng:

Loại này là loại trà biến chế từ lá trà non (Việt Nam gọi là trà búp), sản xuất bởi những hãng trà nổi tiếng, kèm theo in ấn và lịch sử của nhà sản xuất hay loại trà. Trong đó nhà sản xuất lựa chọn những địa danh trồng trà nổi tiếng ở Nhật Bản .

Các nhà sản xuất trà xanh ở Nhật cũng nhập cảng hay có các cơ sở biến chế sơ khởi ở ngoại quốc như ở Trung Hoa, Bắc Việt Nam, Tây Tạng, Bắc Lào… Nhưng theo ý kiến của người Nhật thì những loại trà mà họ mang từ ngoại quốc vào Nhật Bản chỉ để sản xuất loại trung bình hay hơn trung bình một tí mà thôi. Còn những loại trà hảo hạng hay loại trà bột đặc biệt dùng cho các lễ dâng trà đều được biến chế từ các vườn trà đặc biệt ở miền Nam và miền Trung Nhật Bản.

Với loại trà hảo hạng, thường đóng gói rất nhỏ (35- 100 grams), thường 50 grams và được trộn vào rất nhiều trà bột. Người Nhật Bản khi có dịp uống loại trà này họ tuân thủ phương pháp pha trà một cách tuyệt đối để không phí phạm và nhất là hưởng thụ được tất cả hương vị của loại trà xanh quí và đắt tiền. Loại trà này người ta có thể pha đến lần thứ 5 nước trà vẫn thơm ngon và mát dịu. Dĩ nhiên loại này chỉ dùng trong các trường hợp tiếp đãi khách quí và trong các trường hợp đặc biệt mà thôi. Giá cả cũng rất thay đổi tùy theo nguồn gốc của vật liệu và của nhà sản xuất, có thể gần 50 US$ cho một bịch trà khoảng 50 grams! Những người biết thưởng lãm loại trà này họ có nhiều dụng cụ phức tạp, cầu kỳ để cung ứng cho nhã khiếu uống trà của họ.

Vài chú ý căn bản

Khi chúng ta quen biết một gia đình người Nhật hay có dịp du lịch Nhật Bản… Chắc chắn chúng ta sẽ có nhiều dịp được các bạn bè Nhật Bản mời về nhà họ. Chắc chắn món giải khát đầu tiên, gần như không thay đổi của ngươì Nhật là mời chúng ta uống trà xanh và ăn một vài loại bánh ngọt đặc biệt để gia tăng hương vị của trà. Sau đây là vài điều ghi chú mà chúng ta nên chú ý:

– Ăn một vài miếng bánh ngọt trước khi uống trà.

– Khi chúng ta uống hết trà trong tách, không khi nào tự ý lấy bình trà rót vào tách của mình hay lấy bình thủy tự ý pha trà cho mình… Làm như vậy chúng ta đã vô tình làm sai lệch cách pha trà của chủ nhân (vì họ biết rõ loại trà mà họ đãi chúng ta phải pha như thế nào, đặc biệt theo sự chỉ dẫn của nhà sản xuất). Người Nhật, nhất là người phụ nữ (vợ bạn hay các bà mẹ) rất kín đáo và chú ý, thường thường họ nhìn thấy tách uống trà của chúng ta hết và họ tiếp cho chúng ta ngay. Trong trường hợp họ bị vướng bận điều gì mà họ quên, chúng ta chỉ cần khen trà ngon là họ sẽ hiểu ngay và tiếp cho chúng ta tức thì.

– Khi chúng ta pha trà xanh, tuyệt đối không bao giờ lấy nước đang sôi từ chiếc nồi ruôn vào bình trà. Ðây là một sai lầm rất nặng về nguyên tắc và cả về mỹ thuật nữa. Với người pha trà chuyên môn, nguời ta để ấm nước không đậy nắp trên bồn than rất nhỏ, nước nóng ở khoảng 90 độ C, rồi họ dùng một chiếc muỗng bằng tre nhỏ để múc nước pha trà. Tùy thuộc vào lượng nước họ múc ở trong nồi và thời gian họ rót nước nóng vào bình trà để điều chỉnh nhiệt độ của nước pha trà (đây là một trong nhiều xảo thuật trong trà đạo).

YUZEN- Nghệ Thuật Trong Nghệ Thuật

Yuzen được phát minh vào đầu thế kỷ 18, giữa thời đại Edo bởi một họa sĩ ở Tokyo có tên là Miyazaki Yuzen-sai, và ngay lập tức nó đã trở thành nghệ thuật nền tảng tân tiến nhất trong kỹ thuật nhuộm kimono. Thuật ngữ Yuzen xuất hiện lần đầu trong cuốn sách về thời trang “Gen-Siki-Kan” xuất bản năm 1687. Đồng thời nó cũng được đề cập đến tronmg vở kịch nổi tiếng của Ihara Saikaku có tên gọi “Kosyoku Itidai Otoko”. Thời bấy giờ, Yuzen đã trở thành một phong cách và 20 loại hình nhuộm khác đã bị mai một. Điều này có thể cho thấy Yuzen đã có ảnh hưởng lớn như thế nào đến văn hóa dệt của Nhật Bản.

Tên gọi Yuzen đã trở nên vô cùng phổ biến trong các cuốn sách nghệ thuật. Về cơ bản Yuzen là một hỗn hợp được hòa trộn bằng tay và sơn vẽ lên vải, có thể sử dụng cùng các khuôn mẫu hoa văn kết hợp với các đường viền, nếp gấp, bện xoắn…của kỹ thuật shibori. Những đường ren rời của hình họa tiết bên ngoài được dán vào vải, sau đó áp dụng kỹ thuật nhuộm theo kiểu chuyển tiếp màu sắc một cách tinh tế. Thanh nhã, mềm mại, tinh xảo và giá thành cao chính là đặc điểm của Yuzen. Các motif truyền thống cùng các họa tiết trang trí mang khái niệm biểu tượng là phổ biến và được ưa chuộng nhất. Những chiếc lá vàng cùng các đường thêu ren thường được sử dụng để tạo nên một kết thúc hoàn chỉnh trong bố cục của Yuzen.

Lý do cơ bản nhất dẫn đến sự thành công của Yuzen chính là các họa tiết của nó. Các motif truyền thống từ thời Heian khoảng những năm 1000 bao gồm các họa tiết hoa lá, cây cỏ mang chủ nghĩa tự nhiên hoặc trìu tượng. Tính nổi trội của Yuzen được thể hiện qua độ bền của màu sắc, chịu được nước, áp dụng được cho nhiều loại vải và vẫn giữ được đặc tính riêng của từng loại vải sau khi nhuộm. Một lợi thế nữa của Yuzen là kỹ thuật nhuộm hết sức chính xác  đối với  những đường nét mảnh, và ngay cả  những mũi thêu, mũi móc. Rất  nhiều màu sắc, thậm chí cả các màu trung tính cũng có thể được biểu hiện thành công bằng với Yuzen, và kỹ thuật sơn nhuộm này rất phù hợp với khí hậu ẩm của Nhật Bản.

Yuzen  thực sự đã mang lại rất nhiều cảm xúc trong lĩnh vực thời trang cũng như các lĩnh vực nghệ thuật khác. Những họa tiết mang màu sắc trung tính, mềm mại, quyến rũ đã tạo nên sự thành công, cũng như những cảm xúc riêng của Yuzen. Không chỉ những bộ Yuzen Kimono mà bất kể bộ trang phục nào áp dụng kỹ thuật Yuzen đều giống như một tác phẩm nghệ thuật hay nói đúng hơn là  một bản hòa tấu sắc màu mềm mại. Bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ của Yuzen tại Tokyo là các dòng khác nhau của Yuzen tại Kaga. Các họa tiết của Kyo-Yuzen mang nhiều ý nghĩa biểu tượng hơn, còn Kaga-Yuzen mang màu sắc chủ nghĩa tự nhiên nhiều hơn.
Các mẫu Yuzen cầu kỳ và đầy phức tạp đều được vẽ và nhuộm bằng tay một cách tỉ mẫn,các màu sắc được chuyển tiếp hài hòa. Và để tạo nên một tác phẩm Yuzen hoàn chỉnh đòi hỏi phải mất rát nhiều thời gian và công sức. Quá trình làm Yuzen truyền thống có thể mô tả sơ lược trong chu kỳ, và được lặp đi lặp lại tùy thuộc vào họa tiết của thiết kế.Đầu tiên là vẽ các hình họa tiết bằng nước của trái cây rau trai “Spider-wort”, màu vẽ này có thể tẩy sạch khi giũ trong nước. Các đường nét cơ bản được vẽ với một lớp keo bảo vệ. Lớp keo này được chế tạo bằng phương thức truyền thống từ gạo nếp, và ngày nay được thay thế bởi keo cao su tổng hợp nhân tạo mà thậm chí còn có thể vẽ nên những đường nét mỏng manh, tinh tế hơn. Các mảng họa tiết, hoa văn tạo nên từu những nét vẽ bằng keo ấy sẽ được sơn phủ bởi nước đậu. Việc này giúp cho lớp keo ngâm sâu hơn và tránh việc màu sắc lan ra ngoài phạm vi, tạo nên hiệu quả đẹp hơn. Sau đó là sơn màu. Người ta sử dụng những bút lông nhỏ để sơn phần biên, biểu đạt họa tiết một cách sắc nét hoặc mờ ảo. Tiếp đến là khâu làm khô màu sơn. Các phần diện tích cạnh nhau sẽ không thể sơn được nếu phần bên cạnh chưa khô. Tuy vậy họa tiết thường gồm rất nhiều mảnh nhỏ cấu thành nên người ta có thể sơn các ô nhỏ cách nhau mà không cần sấy, do đó có thể hoàn thiện việc nhuộm sớm hơn. Sau đó phủ ngoài các phần với keo bảo vệ và sơn màu nền. Cuối cùng sẽ là việc giặt vải lụa và sửa chữa lại một vài chỗ cần thiết. Mỗi một khâu của Yuzen đều được thực hiện bởi đôi tay giàu kinh nghiệm, và người chịu trách nhiệm kiểm soát hợp nhất các khâu, hoàn thiện nên một tác phẩm Yuzen được gọi là Senshyo” Nghệ nhân dệt”. Và các nghệ nhân Yuzen đã mang vạn vật thiên nhiên vào trong các tác phẩm của mình, để rồi chính những tác phẩm đó lại tô điểm thêm sắc màu cho cuộc sống.

Màu sắc, đường nét sống động giàu ngôn ngữ  biểu cảm của Yuzen không chỉ mang đến sự độc đáo, quyến rũ cho các trang phục truyền thống của Nhât Bản mà còn là kho tàng quý giá để tạo nên một cảm xúc Yuzen rất riêng cho những bộ trang phục hiện đại..

ĐBH

free counters