Nghề gốm Trù Sơn – Nghề mưu sinh

Là vùng quê thuần nông nhưng người dân xã Trù Sơn (Đô Lương, Nghệ An) không làm ra nhiều lúa gạo, thứ hàng hoá chính mà họ tạo ra bằng đôi tay khéo léo ngay trên mảnh đất cằn cỗi ni là những chiếc nồi đất.


Những “truyền nhân” nữ


Cụ Nguyễn Thị Nhứt 85 tuổi, nghệ nhân lớn tuổi nhất làng, cho biết: “Từ khi tui còn con nít đã thấy ông bà làm nồi bày ra khắp nhà. Lớn lên hỏi thì ông bà chỉ nói rằng nghề này do tổ tiên đời trước để lại, đời nào thì không ai biết”.


Một truyền nhân nữ xã Trù Sơn.

 

Nói rồi, cụ bộc bạch thêm: “Quê tui vốn nghèo, đất đai chẳng làm nên hạt lúa, ông cha sợ con cháu đời sau phải tha hương kiếm sống nên đã nghĩ ra cái nghề này, trong cái khó ắt ló cái khôn thôi”. Theo ông Võ Công Hà, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Trù Sơn, trải qua nhiều thế hệ, người dân vẫn miệt mài bám trụ với nghề như một sự tri ân tổ tiên. Nồi đất ngày nay đã “lọt” vào những nhà hàng sang trọng bán cơm niêu, cơm đập, cá kho tộ…


Không hề có một tài liệu lưu giữ bí quyết làm nồi, cũng chưa hề có một lớp dạy làm công việc này, nhưng kỹ thuật làm nồi vẫn được truyền qua từng thế hệ Trù Sơn. Lớp hậu thế không những duy trì được độ bền dẻo, chất lượng của nồi mà còn không ngừng sáng tạo ra nhiều mẫu mã hữu dụng hơn. Có một điều khá bất ngờ, những “truyền nhân” của làng chỉ toàn là phụ nữ.


“Làm nồi không khó, nhưng phải thật khéo tay và kiên trì thì sản phẩm làm ra mới đạt yêu cầu”, chị Nguyễn Thị Hương, xóm 11 cho biết. Trên chiếc bàn xoay là một nắm đất đã luyện kỹ, người phụ nữ này dùng chân xoay bàn, hai tay nhẹ nhàng uốn nắn từng thớ đất và chỉ 5 phút sau một chiếc nồi đã có hình dạng. Theo chị Hương, nếu làm nhanh, thành thạo mỗi ngày sẽ có 40 đến 50 chiếc nồi đất hoàn thành.


Hàng chục năm ngồi một chỗ khiến nhiều phụ nữ Trù Sơn mắc một số bệnh như viêm khớp, gai cột sống, gan… nên họ mất dần khả năng lao động ở độ tuổi còn rất trẻ. “Tiếp xúc nhiều hơi đất nên giờ tui nỏ mần được việc chi”, chị Nguyễn Thị Mùi, 43 tuổi nhưng đã có 26 năm gắn bó với nghề tâm sự. Mặc dù đau ốm nhưng chị vẫn thường sang hàng xóm xem làm nồi đất, trao cho nhau những kinh nghiệm trong nghề.


Bệnh tật là nỗi lo của người phụ nữ làng Trù, nhưng hàng năm vẫn có không ít “truyền nhân” bước vào nghề. Họ mải mê tạo ra những sản phẩm ngày một chất lượng mà gạt những tổn hại về sức khoẻ sang một bên.


Nẻo đường mưu sinh.

Mưu sinh và quảng bá “hồn quê”

Hành trình tiêu thụ nồi đất gắn với từng bước chân của những người đàn ông. Trước đây, nồi được chất đầy trên những đôi quanh gánh. Còn bây giờ, những chiếc xe đạp cũ đã thay thế cho những đôi quang, đôi vai người đàn ông.


Thị trường tiêu thụ nồi đất chủ yếu là các vùng quê Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thanh Hóa, Ninh Bình… Mỗi người lên đường với trên 300
chiếc nồi các loại, kèm theo xoong nồi, bát đũa, chăn màn, gạo, muối cùng vài chục ngàn lận lưng.

“Trung bình mỗi ngày tui đi bộ khoảng 70 – 80 km bán hàng, nếu may mắn thì cũng bán được 3 – 4 chục cái, trừ những chi phí dọc đường còn kiếm được 30.000 -35.000, anh Nguyễn Văn Thìn, một người bán nồi trên 10 năm nay cho biết. Trên nửa tháng cho một chuyến đi, chiếc xe chở nồi lăn qua biết bao vùng quê. Nồi đất không hoàn toàn quen thuộc với mọi người, nhất là giới trẻ.


“Có những nơi người ta nhìn nồi đất bằng ánh mắt lạ lẫm, dò xét. Muốn bán được thì mình phải… giới thiệu sản phẩm. Gặp ba ông khách kiểu này coi như hết buổi”, nói rồi chú Thìn tay cầm chiếc nồi đất giới thiệu cho chúng tôi một cách kỹ càng nguồn gốc ra đời, tiện ích, độ bền của nó. Đối với người dân Trù Sơn, bán nồi đất không chỉ để mưu sinh mà còn là dịp để quảng bá sản phẩm truyền thống của quê hương.

Gốm Trù Sơn – Đô Lương

Gốm cổ Trù Sơn – Đô Lương


Ít ai biết rằng, ở Đô Lương (Nghệ An) cũng có một làng gốm cổ. Chỉ khi nói đến những chiếc nồi đất kho cá, nấu cơm thường thấy ở bếp nhà dân các tỉnh miền Trung, nay còn xuất hiện trong các nhà hàng “cơm niêu”, thì nhiều người mới biết đó là sản phẩm của làng Trù.




Làng nghề nồi đất xã Trù Sơn (Đô Lương – Nghệ An), xưa gọi là Kẻ Trù hay làng Trù Ú. Cũng như nhiều làng nghề cổ khác, làng nghề truyền thống độc đáo này đang dần bị mai một

Nghề nghèo nuôi kẻ khó

Làng Trù Sơn, còn gọi là làng Nồi, xưa thuộc Trù Ú, cách thị trấn Đô Lương 20km về phía đông nam, là một làng nghèo với nguồn thu chính từ nghề trồng lúa. Người Trù Sơn gọi nghề gốm của mình là nghề “vắt đất làm nồi”, và có lẽ họ chẳng bao giờ nghĩ có ngày mình lại được ra Hà Nội để “trình diễn” cái công việc nhà nông “quê mùa” ấy trước người dân thủ đô, các cháu học sinh và cả du khách nước ngoài.


Anh Trần Doãn Hùng, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Đô Lương (Nghệ An) nói: “Họ rất vui vì đây là lần đầu tiên được ra Hà Nội, “biểu diễn” cách làm nồi cho đông đảo người dân thủ đô xem, lại còn được thăm lăng Bác, được “lên ti vi” nữa”.
Có thể hình dung về niềm vui ấy khi nhìn những người nông dân nhỏ bé, đen đúa với giọng nói mang âm sắc nằng nặng nhưng khuôn mặt rạng rỡ nụ cười, tận tình hướng dẫn các thao tác làm gốm tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam trung tuần tháng ba vừa qua.


Những chiếc nồi gốm đủ loại to nhỏ được chị Hương, chị Liên, chị Thái -những “nghệ nhân” của làng – loang loáng bày ra trước mắt mọi người. Các thao tác tạo dáng sản phẩm gốm Trù Sơn khá đơn giản nhưng đòi hòi sự nhuần nhuyễn và khéo léo. Có lẽ vì vậy, ở Trù Sơn chỉ có phụ nữ đảm đương công việc này. Chị Thái cho biết, con gái lên mười ở làng đã bắt đầu học làm nghề gốm, khoảng 13, 14 tuổi đã là một người thợ thành thạo.


Khác với Phù Lãng hay Bát Tràng, người thợ gốm Trù Sơn không để cả khối đất lên bàn xoay, mà dùng đất đã nhào nhuyễn vắt theo hình con chạch mà họ gọi là rói để ghép nối từng phần.


Tất cả các công cụ làm gốm cũng chỉ gồm một cái bàn xoay, vài miếng giẻ nhỏ và những khoanh nứa mỏng (gọi là khót) để tạo dáng và làm nhẵn. Vật liệu dùng để nung gốm chỉ là lá cây, có khi là rơm rạ.


Nung nồi đất

Vất vả nhất là khâu lấy đất và làm nhuyễn đất, thường do đàn ông đảm nhiệm, bởi họ phải đến tận làng Hội Yên (Nghi Văn, Nghi Lộc) cách Trù Sơn 10km mới có loại đất sét để làm gốm.

Cũng theo một câu chuyện mà người già ở làng thường kể thì nghề làm nồi có nguồn gốc từ Nghi Lộc (có lẽ là nơi người Trù Sơn thường sang lấy đất). Rằng, ngày xưa, có người con gái ở nơi ấy về Trù Sơn làm dâu. Theo luật, nghề chỉ truyền cho con dâu chứ không truyền cho con gái. Nhưng bà mẹ của cô gái khi đến Trù Sơn thăm con, thấy cuộc sống vất vả khó nhọc quá, đành bí mật truyền lại cái nghề này. Nhưng giờ đây ở Nghi Lộc, nghề làm gốm đã bị mai một. Theo khảo sát của các cán bộ Bảo tàng Dân tộc học, hiện nay ở miền Trung chỉ còn Trù Sơn là giữ được nghề làm nồi truyền thống này.


Anh Đoàn Văn Nam, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nghệ An cho biết, theo những tài liệu mà anh có được, thì nghề làm gốm có ở Trù Sơn từ đời Trần, khoảng thế kỷ 13. Còn anh Nguyễn Văn Hứa (55 tuổi, xóm 10, Trù Sơn – một trong những gia đình lâu năm làm gốm, vợ anh là Phạm Thị Liên cũng ra Hà Nội trình diễn kỹ thuật làm gốm lần này) thì nói: khi anh lớn lên, ông nội anh đã nói nghề gốm có từ lâu đời rồi.


Thực ra, không ai biết chính xác cái nghề “vắt đất làm nồi” có ở Trù Sơn từ thời nào, nhưng mọi người đều chắc chắn một điều rằng vì nghèo khó, vất vả mà có nó. Ở một nơi khí hậu khắc nghiệt, bốn bề chỉ có đất, người nông dân đã biết tìm cách tạo ra từ hòn đất những sản phẩm phục vụ cho đời sống sinh hoạt của mình, sau đó mới nghĩ đến chuyện mang đi bán. Mỗi sản phẩm làm ra cũng chỉ bán với giá từ 1 đến 5 nghìn đồng, nhưng từ bao đời nay, họ vẫn sống dựa vào nghề. Bà Lê Thị Thuỷ (Thượng Giáp, Trù Sơn) nói: “Quê tui không có nghề ni thì chết đói”.


Đến nay, cuộc sống của dân nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn vất vả. Và cái nghề của tổ tiên để lại cứ thế mà tồn tại từ đời này qua đời khác, không cần một bí quyết gì thật đặc biệt, cũng chẳng cần vốn liếng gì to tát. Tuy vậy, đó lại là một sản phẩm hết sức đặc trưng của văn hóa nơi đây, của những con người xứ Nghệ nổi tiếng vì khắc khổ và hồn nhiên chất phác.


Vươn tới một “đẳng cấp” cao hơn?


Sản phẩm gốm Trù Sơn chủ yếu là nồi nhưng khá đa dạng. Có khoảng 30 loại nồi, từ nồi to nấu nước, nồi thường nấu cơm, nồi nhỏ kho thịt cá, đến nồi đình gánh nước, ủ giá đỗ, hông xôi, nấu rượu, rồi các loại chảo rang, siêu sắc thuốc… Xưa kia còn có cả nồi to đựng hài cốt lúc cải táng, các loại ống nhổ, áo chai để cất rượu vang, bù đựng nước mát. Ngày nay, các nghệ nhân cũng đã mày mò tạo ra một vài loại sản phẩm mới như giỏ treo phong lan, ống đựng tiền tiết kiệm khá độc đáo…


Gốm Trù Sơn như một cô gái quê chưa hề được trang điểm, không biết làm dáng nhưng lại có những nét duyên ngầm. Đặc điểm khá riêng biệt của dòng gốm này là đơn giản, thô mộc, không men tráng và hoàn toàn không có dấu hiệu của nghệ thuật trang trí. Tuy nhiên, gốm Trù Sơn có những ưu điểm rõ rệt về độ mỏng và nhẹ. Ông Lê Ngọc Hân (Hội Mỹ thuật Việt Nam) cho rằng, với độ mỏng lý tưởng đó cùng độ thấm nước gần như không có và thành phần xương đất tốt, gốm Trù Sơn có đầy đủ tố chất để vươn lên một đẳng cấp cao hơn, tạo nên những sản phẩm gốm nghệ thuật.


Tìm cho gốm Trù Sơn một hướng đi để phát triển đến một đẳng cấp cao hơn chỉ mới là ý tưởng của những nhà chuyên môn. Còn đối với các cán bộ văn hóa- thông tin huyện Đô Lương cũng như tỉnh Nghệ An thì chỉ mong sao gìn giữ được những nét duyên mộc mạc nguyên sơ của nó, mà sản phẩm vẫn bán được đều đều, để người dân yên tâm mà không bỏ nghề.
Anh Hứa cũng cho biết, thời gian gần đây, “thị trường” của gốm Trù Sơn không chỉ từ Thanh Hóa đến Quảng Bình, mà còn đến tận Hải Phòng, Nha Trang, Bình Định. Và năm 1996, đã có một chuyến hàng xuất sang Đan Mạch.


Tuy nhiên, do sự phát triển ồ ạt của đồ nhôm, đồ nhựa, số lượng sản phẩm của Trù Sơn cũng ngày càng hạn chế. Trước đây có khoảng từ 80-90% người theo làm nghề gốm, thì hiện nay chỉ còn khoảng 20-30%. “Bọn trẻ lớn lên chỉ lo đi khỏi làng để làm ăn thôi, giờ chỉ còn người già chẳng biết làm gì nữa thì làm nồi vậy, trước là để kiếm thêm đôi đồng, sau để giữ cái nghề tổ tiên để lại”. Thế nhưng anh Hứa cũng như chị Liên, chị Thái, chị Hương – những người thợ gốm lâu năm ở Trù Sơn, đều tin tưởng rằng, nghề gốm nơi đây sẽ được giữ gìn mãi mãi.

ĐBH

free counters